Là vùng đất được mệnh danh “đệ nhất danh trà”, chè Thái Nguyên được thiên nhiên ưu đãi về thổ nhưỡng, khí hậu và bí quyết gia truyền được người dân nơi đây giữ gìn qua thời gian để làm ra những búp chè móc câu có chất lượng thơm ngon đặc biệt…

Thái Nguyên là một trong những tỉnh có diện tích và sản lượng chè lớn của cả nước, đứng thứ hai toàn quốc sau tỉnh Lâm Đồng. Chè Thái Nguyên được người tiêu dùng trong nước và quốc tế ưa thích bởi hương vị trà xanh “ngọt hậu”, khi mới uống có vị chát nơi đầu lưỡi, sau đó có dư vị ngọt ngào làm ấm lòng người thưởng thức.

Cây chè được trồng ở các địa phương trong tỉnh với diện tích trên 17.500ha, sản lượng chè hàng năm khoảng 160.000 tấn búp tươi. Diện tích trồng chè: thành phố Thái Nguyên trên 1.250ha, Đại Từ 5.000ha, Phú Lương 3.600ha, Đồng Hỷ 2.650ha, Định Hóa 2.200ha, Phổ Yên 1.200ha, Võ Nhai 500ha, Phú Bình 100ha, thị xã Sông Công 600ha.

Xưa nay nhắc đến chè Thái rất nhiều người chỉ biết đến chè Tân Cương. Tuy nhiên ở Thái Nguyên còn rất nhiều vùng chè ngon nổi tiếng đang chào đón du khách khám phá trong chuyến du lịch đến Thái Nguyên:

Vùng chè Tân Cương (Thành phố Thái Nguyên):

Vùng chè Tân Cương nằm ở phía Tây Nam của Thành phố Thái Nguyên, gần với khu du lịch Hồ Núi Cốc và vườn Quốc gia Tam Đảo. Theo tỉnh lộ Đán- Tân Cương- Núi Cốc chừng 10 km du khách sẽ đến với vùng đất bán sơn địa, cảnh quan thiên nhiên đẹp mắt với những đồi chè xanh có hình bát úp…

Người dân Thái Nguyên coi nơi đây là cái nôi của đất chè. Vùng chè Tân Cương  nằm cận kề Khu du lịch vùng hồ Núi Cốc – nơi gắn với câu chuyện tình huyền thoại giữa nàng Công và chàng Cốc. Họ yêu nhau nhưng không thành duyên. Nước mắt của cô gái chảy thành dòng sông Công tìm về vùng đất Tân Cương là quê hương chàng Cốc, tạo nên hương vị chè ngọt thơm nổi tiếng mà chỉ vùng này có được. Trên thực tế cây chè Thái được ông Đội Năm (tên thật là Vũ Văn Hiệt) đưa giống chè Phú Thọ về trồng khoảng năm 1920-1922, sau đó phát triển lên thành nghề sản xuất, chế biến. Khi ấy, những gói chè Tân Cương mang nhãn hiệu Con Hạc đã ngon nổi tiếng trong nước và bay ra cả thị trường nước ngoài.

Năm 2006, Cục sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã quyết định cấp chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” cho sản phẩm chè Tân Cương (Thái Nguyên). Đây là một trong 5 sản phẩm quốc gia được đăng bạ bảo hộ chỉ dẫn địa lý trên toàn quốc. Chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” cho chè Tân Cương Thái Nguyên bao gồm vùng địa danh tương ứng với 3 xã Phúc Xuân, Phúc Trìu và Tân Cương, có tổng diện tích 4.861,8ha. Sau hơn một năm thực hiện với hàng trăm kết quả thí nghiệm về đất, nước, khí hậu cùng nhiều cuộc hội thảo với người dân địa phương, các nhà khoa học đã khẳng định: ngoài các yếu tố đất trồng và tập quán canh tác, yếu tố khí hậu, nhất là bức xạ nhiệt (tổng bức xạ nhiệt là 122,4 kcal/cm2/năm, trong đó lượng bức xạ hữu hiệu là 61,2 kcal/cm2/năm đều thấp hơn so với các vùng chè khác) chính là yếu tố quyết định đến chất lượng chè Tân Cương Thái Nguyên.

Vùng chè La Bằng thuộc địa phận xã La Bằng, huyện Đại Từ, cách thành phố Thái Nguyên 30km. Nằm ở chân núi Tam Đảo, xã La Bằng có cảnh quan thiên nhiên đẹp với núi rừng hùng vĩ, nguyên sinh, suối thác xanh trong. Toàn xã có hơn 300ha đất trồng chè, trong đó có hơn 200ha chè đang cho thu hái, với năng suất đạt 93 tạ/ha, sản lượng trung bình hằng năm đạt gần 1.900 tấn búp tươi, tương đương với gần 400 tấn sản phẩm chè khô.

Theo đánh giá của các nhà chuyên môn và những người sành chè thì chè La Bằng có chất lượng không kém các vùng chè nổi tiếng khác. Khi pha, tuy không có màu xanh trong như chè Tân Cương, Trại Cài nhưng chè La Bằng lại có một màu mật ong vàng óng, uống vào có mùi thơm đặc trưng, nuốt ngụm nước, chép miệng, thấy vị ngọt thanh tao, sảng khoái.

Người dân La Bằng đã từng bước thay thế giống chè già cỗi bằng các giống chè nhập nội như, Long Vân, Am Thích, Bát Tiên… Các giống chè mới này thích nghi với thổ nhưỡng, nên cho năng suất, chất lượng cao và có khả năng chống chọi sâu bệnh.

Theo người dân địa phương, trên khu đất thuộc đèo Khế, núi Điệng của xã hiện còn có những bãi chè cổ thụ, nhiều cây có đường kính tới 50cm. Mới đây, người dân trong xã còn phát hiện trên đó có những bãi chè ra búp đỏ, hái về hãm nước uống rất ngon…

Đến với vùng chè La Bằng, du khách có dịp tham quan các di tích danh thắng của huyện Đại Từ như: khu du lịch Hồ Núi Cốc, khu di tích 27/7, địa điểm thành lập cơ sở Đảng cộng sản đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên…

Vùng chè Trại Cài ( xã Minh Lập- huyện Đồng Hỷ):

Vùng chè Trại Cài nằm ở phía Tây Bắc huyện Đồng Hỷ, cách thành phố Thái Nguyên chừng 12km. Toàn xã Minh Lập hiện có 460 ha chè canh tác (diện tích gieo cấy chỉ có 197 ha), chủ yếu là giống chè trung du, sản lượng chè búp tươi của cả xã đạt khoảng 4.200 tấn/năm.

Khác với chè Tân Cương, chè Trại Cài có búp to nên pha mấy lượt nước vẫn còn đậm. Nước chè pha có màu sánh vàng mật ong, vị đắng, ngọt, chát, thơm hòa quyện làm say mê người thưởng thức.

Hiện nay trên địa bàn xã có 2 doanh nghiệp và 3 hợp tác xã sản xuất chế biến chè. Người dân Trại Cài đang tích cực chăm sóc để bước vào vụ thu hoạch chè đông, đây là vụ thu hoạch được kỳ vọng là mang lại giá trị kinh tế cao.

Tham quan vùng chè Trại Cài, du khách có thể kết hợp tham quan các điểm du lịch nổi tiếng của huyện Đồng Hỷ như chùa Hang, động Linh Sơn, núi Voi…

·         Vùng chè Tức Tranh, Vô Tranh, Phú Đô (huyện Phú Lương)

Đây là vùng chè thuộc 3 xã phía Đông Nam huyện Phú Lương, là một trong những vùng chè tập trung, có diện tích lớn trên 2000ha, chiếm 12% diện tích chè toàn tỉnh, năng suất gần 100 tạ/ha (cao nhất tỉnh). Chè được thu hái quanh năm bởi được vun đắp phù sa và tưới mát từ dòng nước sông Cầu. Nhận thức được chè là cây trồng mũi nhọn có khả năng phát triển kinh tế, bên cạnh việc mở rộng diện tích, bà con nhân dân trong huyện cũng đã tích cực chuyển đổi cơ cấu giống chè. Trước đây chỉ trồng giống chè hạt, nhưng trong vòng 5 năm trở lại đây thì toàn bộ những diện tích chè trồng mới, bà con đều đưa các giống chè cành như: LDP1, LDP2, TRI 777, Phúc Vân Tiên, Bát Tiên.

Phú Lương là huyện có nhiều làng nghề chè được công nhận là làng nghề cấp tỉnh. Nhằm phục vụ khách tham quan trong Liên hoan Trà, huyện Phú Lương đã tiến hành duy tu sửa chữa đường Giang Tiên – Phú Đô – Núi Phấn. Đây là tuyến đường đi qua các làng nghề chè như: Bình Long (xã Vô Tranh); Quyết Thắng, Gốc Gạo, Thác Dài (xã Tức Tranh); Phú Nam 2, Phú Nam 4, Phú Nam 5 (xã Phú Đô). Tại các làng nghề chè, bà con đang tích cực sản xuất ra những lứa chè sạch, thơm ngon hơn, tạo những nương chè đẹp hơn để sẵn sàng đón du khách. Các gia đình làm chè đã chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất để thao diễn các khâu chế biến khi khách du lịch đến tham quan.

Hương Lan