Có dịp đến với Mộc Châu, ngoài khám phá cảnh vật nên thơ, phong tục tập quán phong phú, thì trải nghiệm văn hóa ẩm thực độc đáo nơi đây cũng là điểm nhấn khó phai trong chuyến hành trình của du khách. Trong đó, món ngon nhận được 100% đề cử giải “Tuyệt Cú Mèo” của các tín đồ ẩm thực khó tính nhất là Bê Chao – thứ đặc sản trứ danh, thấm đượm hương vị núi rừng, ăn một lần sẽ nhớ mãi, chẳng thể nào quên.

Nguyên liệu để làm món này ngon nhất là bê sữa đực khoảng một tuần tuổi, chưa từng ăn cỏ bởi bê non chỉ bú sữa mẹ sẽ có vị thơm mùi sữa và mềm ngọt mà bê già tuổi hơn không thể nào có được. Thịt chọn phải là loại phi lê trong là thịt, ngoài là da. Xin thông tin thêm, các chú bê đực được sử dụng làm nguyên liệu cho món Bê Chao phần lớn có xuất xứ từ Nông trường Bò sữa Mộc Châu. Lý do nông trường chỉ giữ lại những nàng bê cái xinh đẹp để tiếp tục nuôi lớn lấy sữa, còn những chú bê đực không cho sữa nên được giao trọng trách khác, vinh quang hơn, đó là tạo nên một món đặc sản Bê Chao nổi tiếng và riêng có của vùng cao nguyên tuyệt đẹp này.

Khâu chế biến tuy không cầu kỳ nhưng lại vô cùng quan trọng. Người đầu bếp chọn thịt bê loại ngon, xắt thịt thành từng miếng con chì, đem chần qua nước sôi để thịt bê bớt hôi và săn lại sau đó đem ướp gia vị gồm sả, gừng, dầu hạt điều, mắc khén, ớt bột, sa tế… trong khoảng 10 đến 15 phút cho ngấm đều rồi chao qua dầu sôi. Theo các đầu bếp lành nghề nơi đây, thành bại của món ăn nằm ở công đoạn chao bê. Người đầu bếp là phải căn độ nóng của dầu và thời gian chao thật hợp lý để có được món bê chao hoàn hảo nhất. Nguyên tắc là chỉ thả thịt bê vào khi dầu đang sôi và nóng, nhúng nhanh vào rồi vớt ra ngay bởi nếu chao lâu quá thịt bê sẽ bị dai, mất đi vị ngọt của thịt, còn nếu non lửa bê sẽ bị sống.

Khi thưởng thức, cần ăn nóng, ngay sau khi chế biến. Vừa nhấc bê chao ra khỏi bếp, mỡ vẫn còn sôi xèo xèo tí tách trên những miếng thịt, người ta bày lên đĩa, rắc lên chút vừng rang và lá chanh thái sợi vô trông cùng hấp dẫn. Nhâm nhi miếng thịt thơm ngọt, miếng rau sống chấm cùng nước tương bùi bùi, miếng da dai dai, nhấp thêm ngụm rượu táo mèo lại càng làm dậy lên cái vị đậm đà của đặc sản phố núi, cùng với thời tiết khí hậu đặc trưng của vùng cao nguyên nơi đây, khiến cho du khách đã thưởng thức một lần sẽ chẳng thể nào quên. Nhờ hương vị thơm ngon, hiếm có mà Bê Chao trở thành món ăn được du khách yêu thích nhất và là lựa chọn số 1 khi đến với Mộc Châu.

Bê Chao Mộc Châu

Về nơi thưởng thức, đi dọc Quốc lộ 6, đoạn từ Mai Châu/Hòa Bình sang Mộc Châu và cả trong thị trấn, du khách sẽ thấy có rất nhiều hàng quán treo biển bán Bê Chao bán dọc đường. Tuy nhiên, không phải quán nào chế biến cũng ngon. Muốn ăn ngon phải tới khu vực Nông trường Mộc Châu. Bạn có thể lựa chọn ăn ở một số quán ở tiểu khu Chiềng Đi, thị trấn Nông Trường Mộc Châu, nằm ngay trên đường Quốc lộ 6 như quán: 64 Mộc Châu, Xuân Bắc 181, 70 Mộc Châu… Còn khu vực thị trấn Mộc Châu, bạn có thể ăn tại quán Đông Hải Mộc Châu, Xuân Thắng (cách Hang Dơi 500m về phía Sơn La).

Giá món ăn hảo hạng này cũng không quá đắt đỏ. Một đĩa Bê Chao nhỏ khoảng 100.000 đồng, đĩa to từ 150.000 – 200.000 đồng. Thường thì các quán sẽ chế biến đĩa 150.000 đồng, tùy số lượng người trong đoàn mà du khách có thể gọi đĩa ít hoặc nhiều hơn mức này. Ngoài ra, đến với Mộc Châu, bạn còn được thưởng thức những món đặc sản vô cùng phong phú khác như cá suối, lợn bản, gà đồi, cá hồi, thịt trâu, thịt dê, cải mèo, rau tầm bóp, măng rừng, nậm pịa, thắng cố, cơm lam, ốc đá… – những món ăn góp phần làm nên thương hiệu du lịch Mộc Châu.

Mộc Châu cách Hà Nội khoảng 200 km, đường xá, phương tiện đi lại thuận tiện, được trời phú cho cảnh vật nguyên sơ, hữu tình, nét văn hóa đặc sắc, huyền bí, nhất là nền ẩm thực độc đáo, riêng có. Chỉ cần tour du lịch 2 ngày 1 đêm là bạn có những trải nghiệm đáng nhớ. Vậy còn chần chờ gì nữa mà không xách ba lô để cùng bạn bè, người thân thưởng thức món Bê Chao và khám phá, trải nghiệm vùng sơn cước này??? Nếu bạn muốn đi, hãy đăng ký Tour Mộc Châu để Công ty du lịch VietCET tư vấn và đồng hành cùng bạn.

* Lưu ý: Hình ảnh và một số nội dung được sử dụng trong bài viết có thể có bản quyền.