Ngoài yếu tố thiên nhiên, từng loại sản phẩm trà Tân Cương còn là kết tinh của trí tuệ  và kinh nghiệm truyền nghề từ ngàn xưa của người dân nơi đây.

Trải nghiệm vùng chè Tân Cương

Buổi sáng bắt đầu trên vùng đất Tân Cương tuyệt đẹp bằng những hoạt động bình dị của những người nông dân trồng chè. Sáng của mùa hè, nắng buông nhẹ lên những tán chè với hình ảnh cần mẫn của những người nông dân. Người hái búp, người tưới cây nhộn nhịp một vùng quê yên bình. Thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho vùng đất này thứ chè đặc sản mà ai từng thưởng thức cũng khó có thể quên. Đến với Thái Nguyên, chắc chắn bạn phải về thăm và trải nghiệm tại mảnh đất Tân Cương để thưởng thức một chén trà xanh thơm nồng đượm hương vị của đất trời.

Cách trung tâm thành phố Thái Nguyên 10km, xã Tân Cương, vùng đất được mệnh danh: “Đệ nhất danh Trà” đã trở thành điểm đến của nhiều du khách trong nước và quốc tế. Theo chỉ dẫn của bà con nơi đây, chúng tôi đến với đồi chè của gia đình anh Bùi Trọng Đại, chủ cơ sở chè Tiến Yên. Tiếp chúng tôi trong một ngôi nhà khang trang, hiện đại mà gia chủ vui đùa bảo rằng: “Nhà được xây lên từ cây chè đấy”.

Nhìn cách pha trà của anh Đại, chúng tôi hiểu được anh là con người am hiểu sâu sắc về văn hoá uống trà. Các công đoạn pha trà là cả một nghệ thuật, nên đôi tay anh chậm rãi khi giới thiệu với khách từng động tác. Nâng chén trà anh Đại pha còn nóng hổi trên tay, đưa lên mũi hương chè thoang thoảng thơm nức, đậm đà. Chúng tôi bị lôi cuốn vào câu chuyện anh Đại kể về gia đình anh có truyền thống làm chè đã hơn 50 năm. Thái Nguyên là đất của chè rồi, nhưng ngoài thiên nhiên ưu đãi, chất đất, độ ẩm là chưa đủ mà để tạo nên một thương hiệu chè cho Tân Cương cần có kỹ thuật, sự học hỏi thay đổi công nghệ để đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.

Theo anh Đại, trước đây gia đình anh thường sao sấy chè thủ công bằng củi, nay anh đã đầu tư máy móc sao sấy bằng gas, áp dụng khoa học kỹ thuật trong trồng và chăm sóc chè nên sản phẩm của gia đình đã đạt tiêu chuẩn Vietgap và Utz. Cũng bởi vì vậy mà các sản phẩm chè đinh, chè tôm lửng, chè tôm nõn, chè móc câu… truyền thống của cơ sở Tiến Yên đã và đang khẳng định chất lượng và uy tín đối với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Có tận mắt thấy bà con làng chè Tân Cương tự tay sản xuất cho ra lò một sản phẩm trà thành phẩm, mới biết được sự vất vả và tỷ mỷ như thế nào.

Vừa quay chè, anh Đại vừa nói: Trà Thái Nguyên ngon phải là trà khi sao không được cháy, đều lửa không có mùi khét, các cánh chè khi sao đều đặn không nát vụn mà cuộn tròn với nhau, dáng hình ngọn chè thành phẩm có hình móc câu. Khi trồng chè tuyệt đối không được trồng cạnh cây xoan, vì nó làm mất đi vị của chè. Quả vậy, ấm trà anh pha chúng tôi càng uống càng cảm thấy nghiện, vị ngọt nhẹ nhàng vẫn cứ đọng mãi ở cổ họng.

Phát triển cây chè gắn với du lịch

Đến xã Tân Cương bất kể mùa nào trong năm, du khách cũng được đắm chìm vào màu xanh ngút ngàn hùng vĩ của những đồi chè. Một cảnh quan đầy thơ mộng và yên bình cùng với con người vô cùng thân thiện. Cũng chính vì thế mà Tân Cương đã được tỉnh Thái Nguyên chọn làm vùng trọng điểm phát triển du lịch cộng đồng.

Đến nay, cả xã Tân Cương có hơn 360ha diện tích trồng chè; với thu nhập bình quân của người dân hơn 40 triệu đồng/người/năm. Trong những năm qua, tỉnh Thái Nguyên luôn quan tâm, giúp bà con trong xã trồng và chế biến chè bằng việc hỗ trợ hệ thống tưới tiêu hiện đại; khuyến khích người dân đưa giống chè mới vào canh tác thay thế giống chè cũ kém năng suất. Các hộ trồng chè ở đây đều bảo rằng: Phát triển cây chè là một nghề, nhưng cũng phải dựa vào cây chè để phát triển du lịch. Kết hợp phát triển du lịch thì thương hiệu của chè Tân Cương mới bay xa hơn.

Để cây chè kết hợp với phát triển du lịch, những năm qua Thái Nguyên đã gắn chương trình xây dựng nông thôn mới cũng như chương trình phát triển du lịch của tỉnh với phát triển vùng chè Tân Cương nhằm nâng giá trị của cây chè địa phương và thúc đẩy du lịch sinh thái. Cũng chính nhờ vậy, sản phẩm Trà Tân Cương không chỉ đã thành món quà không thể thiếu dành cho cho du khách đến trải nghiệm vùng chè mà đã trở thành sản phẩm xuất khẩu ra thị trường thế giới ngày càng được khách hàng ưa chuộng.

Ông Nguyễn Ngọc Tân, Chủ tịch xã Tân Cương chia sẻ: Phát triển du lịch kết hợp với phát triển thương hiệu Trà Tân Cương đến nay đã có những kết quả khả quan, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng tuyên truyền để thay đổi nhận thức của cộng đồng, khuyến khích các hộ gia đình có điều kiện liên kết, cải tạo, xây dựng những đồi chè đẹp mắt, tạo điều kiện cho du khách trải nghiệm hái, chế biến chè. Đồng thời đầu tư nơi ăn, chỗ nghỉ cho khách du lịch đến với Tân Cương để phát triển du lịch sinh thái cũng như giúp cho du khách có nhiều thời gian trải nghiệm vùng chè nơi đây. Điểm nhấn có thể kể đến là bắt đầu từ năm 2011, cứ 2 năm 1 lần, Thái Nguyên lại tổ chức Festival Trà Thái Nguyên – Việt Nam.

Thông qua lễ hội trà này, địa phương cũng đã xây dựng phòng trưng bày sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Có thể nói, sản phẩm chè Tân Cương là nguồn tài nguyên vô tận để tạo ra các sản phẩm hấp dẫn du khách, ngoài yếu tố thiên nhiên, từng loại sản phẩm Trà Tân Cương còn là trí tuệ và kinh nghiệm truyền nghề từ ngàn xưa của người dân nơi đây.

Rời làng chè Tân Cương khi chiều vừa ngả bóng, trong phảng phất mùi hương dịu nhẹ, thơm nồng búp chè xanh non, chúng tôi hy vọng một ngày không xa danh tiếng Trà Tân Cương, Thái Nguyên sẽ còn vươn xa hơn nữa.

Bài và ảnh Hoài Thanh – Cẩm Vân